Chương trình mục tiêu Quốc gia - Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Cao Bằng

https://nongthonmoi.caobang.gov.vn


UBND tỉnh: Phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết dịnh số 2112/QĐ-UBND, ngày 22/11/2019 của UBND tỉnh Phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Cao Bằng (viết tắt Chương trình OCOP). Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện Đề án là 326 tỷ 325 triệu đồng.
Các sản phẩm chủ lực huyện Thạch An có thể đưa vào thực hiện Chương trình OCOP tỉnh.
Theo đó, chu trình thực hiện Chương trình OCOP tỉnh, gồm 6 bước: Triển khai thực hiện Chu trình OCOP tuần tự theo các bước; tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP;  nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại. Phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 6 nhóm, bao gồm: Thực phẩm (nông sản tươi sống và nông sản chế biến);  Đồ uống (đồ uống có cồn, đồ uống không cồn); Thảo dược (các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu); Vải và may mặc (các sản phẩm làm từ bông, sợi); Lưu niệm - nội thất - trang trí (các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may,... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng); Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu,...).

Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2019 - 2020, dự kiến kinh phí thực hiện 76 tỷ 325 triệu đồng để lựa chọn 30 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của địa phương đưa vào Chương trình OCOP; công nhận chứng nhận ít nhất 15 sản phẩm OCOP, trong đó, có 4 - 5 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh, 10 - 11 sản phẩm 2 sao cấp tỉnh…

 Giai đoạn 2021 - 2025, kinh phí dự kiến 120 tỷ đồng để nâng cấp xếp hạng 15 sản phẩm đạt sao giai đoạn 2019 - 2020; chuẩn hóa 50 sản phẩm mới, trong đó, nâng cấp 5 sản phẩm chủ lực phấn đấu đạt 4 - 5 sao cấp Quốc gia; hằng năm hỗ trợ ít nhất 1 sản phẩm cho mỗi huyện, Thành phố theo chu trình OCOP; củng cố và phát triển 25 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác) tham gia Chương trình OCOP tỉnh…

Giai đoạn 2026 - 2030, kinh phí dự kiến 120 tỷ đồng để tiếp tục hỗ trợ nâng cấp xếp hạng 50 sản phẩm đạt sao; chuẩn hóa 50 sản phẩm mới, trong đó, nâng cấp 5 sản phẩm chủ lực phấn đấu đạt 4 - 5 sao cấp Quốc gia; tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý, sản xuất, kinh doanh cho cán bộ và chủ thể thực hiện Chương trình OCOP tỉnh...

Phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành và các phòng, ban tham mưu giúp việc. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, xây dựng và phối hợp với các sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo giai đoạn và hằng năm đã đề ra.

Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP sẽ phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây