Chương trình mục tiêu Quốc gia - Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Cao Bằng

http://nongthonmoi.caobang.gov.vn


Cao Bằng nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới

Sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của tỉnh Cao Bằng đã có những chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, tại các xã biên giới của tỉnh, công cuộc xây dựng nông thôn mới đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các cấp chính quyền cần nỗ lực hơn để các xã này vừa phát triển về kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia.

Xã biên giới Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) là xã cuối cùng trong 177 xã của tỉnh Cao Bằng được phê duyệt và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, xã đã đạt 10/19 tiêu chí. Tuy vậy, xã biên giới này còn gặp nhiều khó khăn khi thu nhập chủ yếu của người dân từ sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ lao động thấp, phong trào xây dựng nông thôn mới còn nhiều lúng túng.

Bộ đội Biên phòng giúp dân thu hoạch sắn. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Bộ đội Biên phòng giúp dân thu hoạch sắn. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Ông Mê Văn Đạt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh cho biết: Đàm Thủy là xã biên giới nên việc xây dựng nông thôn mới có đặc thù riêng. Vì vậy, Đảng bộ xã Đàm Thủy xác định rất sớm mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, xã sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giúp bà con nhận thức được xây dựng nông thôn mới phải gắn phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia. Trong phát triển kinh tế, xã hướng người dân phát triển các dịch vụ du lịch xung quanh danh thắng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.

Năm 2018, xã Đàm Thủy dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là hơn 4 tỷ đồng. Nguồn vốn này tập trung vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Xã phấn đấu đến năm 2020, sẽ về đích trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) có 4 xã biên giới là Cốc Pàng, Cô Ba, Khánh Xuân và Xuân Trường. Trong số 4 xã biên giới của huyện, xã Cốc Pàng đã đạt được 9 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 5 - 6 tiêu chí. Các xã của huyện Bảo Lạc có địa hình phức tạp, dân cư phân bố thưa thớt, dẫn tới việc triển khai kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế; nguồn lực để huy động xây dựng nông thôn mới còn ít; tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60% và đang có xu hướng tăng lên (sát theo tiêu chí nghèo đa chiều). Đây là những thách thức rất lớn đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Bao Lạc cần tập trung các nguồn lực để nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các xã biên giới.

Bộ đội Biên phòng giúp dân chăm sóc cây sa mộc. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Bộ đội Biên phòng giúp dân chăm sóc cây sa mộc. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
 

Khẳng định nỗ lực xây dựng nông thôn mới tại các xã biên giới, ông Công Văn Hưu, Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc cho biết: “Huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đến kết thúc năm 2018, các xã biên giới hoàn thành thêm một tiêu chí. Nếu xã nào không hoàn thành mục tiêu, sẽ xem xét trách nhiệm đồng chí Bí thư, các đồng chí lãnh đạo xã đó.”

Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc cho biết thêm, huyện Bảo Lạc tiếp tục khai thác những lợi thế, tiềm năng ở các xã biên giới; trong đó chú trọng đến phát triển diện tích trồng cây hồi, cây sắn, cây dâu tằm… Đây là những cây trồng đang đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào các xã biên giới. Bên cạnh đó, huyện đang xem xét các xã có điều kiện về chăn nuôi bò, lợn đen để hướng người dân phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại nông hộ…

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Cao Bằng, toàn tỉnh có 177 xã được phê duyệt và thực hiện quy hoạch, trong đó có hơn 40 xã thuộc khu vực biên giới, thuộc khu vực khó khăn. Các xã biên giới được phê duyệt thực hiện nông thôn mới chỉ đạt bình quân 6,8 tiêu chí; thấp hơn so với bình quân 8,27 tiêu chí của toàn tỉnh. Các tiêu chí còn lại chưa đạt là những tiêu chí quan trọng, phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chất lượng cuộc sống của người dân như: giao thông, điện, thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo, môi trường…

Ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết: Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau. Đối với các xã biên giới, tỉnh sẽ tập trung vào các xã có điều kiện thuận lợi hơn, đặc biệt là các xã có cửa khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để từng bước nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới; phấn đấu đến 2020, tỉnh Cao Bằng có xã biên giới về đích trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành được các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân các xã, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành tỉnh Cao Bằng trong việc đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí mang tính đặc thù theo hướng sát thực, phù hợp với những huyện có các xã thuộc khu vực biên giới.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây