Chương trình mục tiêu Quốc gia - Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Cao Bằng

http://nongthonmoi.caobang.gov.vn


Hòa An chuyển mình từ xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Hòa An đã có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn đổi thay cơ bản, chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện.
Miến dong Án Lại, xã Nguyễn Huệ (Hòa An) đang dần tạo dựng thương hiệu vững chắc.

Khi mới triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, mức độ đạt các tiêu chí nông thôn mới của các xã trên địa bàn huyện Hòa An rất thấp, hầu hết chỉ đạt từ 1 -  5 tiêu chí. Xác định được những khó khăn, trở ngại trước mắt, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và cả hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, bộ máy chỉ đạo chương trình được thành lập và hoạt động khá đồng bộ, triển khai thực hiện tốt nhiều cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, tỉnh, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực và trở thành động lực để các địa phương XDNTM.
Xã Nam Tuấn - mô hình tiêu biểu, điển hình của tỉnh trong XDNTM được công nhận đạt chuẩn từ năm 2017, đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Theo Chủ tịch UBND xã Nam Tuấn Hoàng Văn Tùy, đổi thay rõ nét nhất ở Nam Tuấn là các tuyến đường nhựa, bê tông qua các xóm trong xã. Đến nay, xã đã có hơn 10 km đường trục xã, hơn 20 km đường trục thôn, gần 40 km đường ngõ xóm, hơn 7 km đường nội đồng được nhựa hóa, cứng hóa, bê tông hóa; tổng kinh phí thực hiện tiêu chí giao thông gần 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiêu chí thu nhập cũng nâng lên nhiều so với thời điểm mới thực hiện Chương trình XDNTM. Toàn xã trồng hơn 400 ha thuốc lá, năng suất trung bình đạt hơn 25 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.000 tấn, tổng thu nhập từ cây thuốc lá của toàn xã mỗi năm đạt khoảng hơn 40 tỷ đồng. Nhiều hộ có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng, một số hộ thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng thuốc lá.
Không chỉ Nam Tuấn, các xã về đích nông thôn mới của huyện, như: Hồng Việt, Bế Triều và các xã vùng đồng khác cũng có nhiều khởi sắc. Qua 10 năm XDNTM, huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn chuyển dịch theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiếp tục phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp tạo điều kiện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đến nay, Hòa An có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 5 - 14 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí, bình quân đạt 10,5 tiêu chí/xã.
Giai đoạn 2010 - 2019, huyện đã huy động 131,808 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 10,5 tỷ đồng đầu tư XDNTM. Hiện 100% xã có hệ thống lưới điện quốc gia, 97% dân số được sử dụng điện; 100% xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 100% xóm có đường ô tô đến xóm, bê tông hóa và cấp phối 497 km đường nông thôn; 90% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh 82%, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh 86%; tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt trên 35%; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp 90%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 24,79% (năm 2018), thu nhập bình quân 26 triệu đồng/người/năm…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An Đàm Thanh Hưởng cho biết: Phát huy kết quả đã đạt được, huyện tiếp tục tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức chính trị - xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 16%.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, huyện Hòa An xác định đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương; sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân một cách bền vững. Phát triển nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi địa phương; khuyến khích và triển khai có hiệu quả chương trình khoa học và công nghệ phục vụ XDNTM.

Tiếp tục đổi mới các hình thức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây